Trường mầm non Tây Ninh, làm tốt công tác tuyên truyền huy động tối đa số trẻ đến lớp.

       Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ. Những kỹ năng mà trẻ được tiếp thu qua chương trình chăm sóc giáo dục mầm non sẽ là nền tảng cho việc học tập và thành công sau này của trẻ. Do vậy, phát triển giáo dục mầm non, tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ là yếu tố quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Những năm đầu đời đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát triển năng lực của trẻ, bởi ngay từ bẩm sinh trẻ đã có khả năng tiếp thu học tập, não bộ đã được lập trình để tiếp nhận các thông tin cảm quan và sử dụng để hình thành hiểu biết và giao tiếp với thế giới sung quanh, nhưng thiên hướng học tập của trẻ có thể bị hạn chế bởi nhiều yếu tố như thể chất, nhận thức và tình cảm xã hội. Việc được hưởng sự chăm sóc và phát triển tốt từ lứa tuổi trẻ thơ sẽ góp phần tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của trẻ. Giáo dục mầm non sẽ chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng ban đầu như: tự lập, sự kiềm chế, khả năng diễn đạt rõ ràng, đồng thời hình thành hứng thú đối với việc đến trường tiểu học, tăng khả năng sẵn sàng để bước vào giai đoạn giáo dục phổ thông.

Muốn đạt được mục tiêu giúp trẻ phát triển toàn diện thì chúng ta cần phải kết hợp hài hoà giữa nuôi dưỡng, chăm sóc sức khoẻ và giáo dục đó là điều tất yếu. Ngày nay cùng với sự phát triển chung của xã hội, mỗi gia đình đều có cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn, trình độ dân trí cũng ngày đựơc nâng cao. Chính vì vậy việc chăm sóc giáo dục trẻ cũng được gia đình và xã hội đặc biệt quan tâm. Vậy quan tâm như thế nào là đúng mực để cơ thể trẻ khoẻ mạnh, học tốt phát triển cân đối, giao tiếp ứng xử mạnh dạn, tự tin hơn thì trước tiên ta phải có một kiến thức nhất định về cách chăm sóc và nuôi dạy con khoa học, theo chương trình chăm sóc giáo dục trẻ của Bộ GD&ĐT đã ban hành tới các trường học Mầm non trong cả nước.

Trong những năm qua trường Mầm non Tây Ninh luôn được đón nhận sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp nhiệt tình của các ban ngành đoàn thể và nhân dân trong xã. Đặc biệt là sự đóng góp, hỗ trợ kinh phí để đầu tư, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, tạo cảnh quan môi trường sư phạm của các bậc cha mẹ học sinh, các nhà hảo tâm trong toàn xã. Đến nay cơ sở vật chất của nhà trường đã từng bước được khang trang sạch sẽ, dần đáp ứng được yêu cầu giáo dục mầm non hiện nay.

Phần lớn các bậc cha mẹ trẻ đã xác định được tầm quan trọng của việc đưa trẻ đến trường, biết cách nuôi con theo khoa học, vì vậy tỷ lệ trẻ ở lứa tuổi mầm non ra lớp trong những năm qua tương đối ổn định. Cụ thể năm học 2019-2020 tỷ lệ trẻ mẫu giáo đến trường lớp đạt 100%, tỷ lệ trẻ nhà trẻ đã huy động đưc 80.6%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong trường mầm non đã được giảm nhiều so với những năm học trước. Với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương, sự cố gắng nỗ lực của tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường. Trong những năm qua tập thể sư phạm nhà trường luôn có nhiều cố gắng trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ và đã thực sự làm hài lòng các bậc cha mẹ học sinh khi gửi con đến trường.

Để đáp lại sự quan tâm của các cấp ủy đảng chính quyền, sự ủng hộ của các bậc cha mẹ học sinh, năm học 2020-2021 tập thể đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường tiếp tục quyết tâm chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc chương trình chăm sóc giáo dục trẻ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, tiếp cận dần với phương pháp GD hiện đại nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ để cha mẹ học sinh yên tâm, tin tưởng khi gửi con đến trường.

Trách nhiệm trong việc vận động để huy động trẻ mầm non đến trường là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân và của toàn xã hội, trong đó trách nhiệm chính thuộc về trường Mầm non. Vì vậy hàng năm nhà trường đều có các nội dung tuyên truyền và các biện pháp tuyên truyền huy động trẻ đến trường như sau:

1. Điều tra chính xác trẻ trong độ tuổi từ 0-60 tháng tuổi ở địa phương và kết hợp điều tra với tuyên truyền về GDMN, cùng với việc vận động trẻ đến trường.

Công tác điều tra số liệu nói chung và công tác điều tra trẻ trong độ tuổi mầm non nói riêng là một việc làm rất quan trọng và cần thiết, nếu chúng ta điều tra một cách đầy đủ, chính xác sẽ giúp cho công tác xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn một cách chính xác, sát với yêu cầu thực tế, đáp ứng được mục tiêu, kế hoạch đề ra và ngược lại.

Trong khi đi điều tra, ngoài việc ghi chép, lấy số liệu, giáo viên còn phải trò chuyện, giao tiếp một cách khéo léo với cha mẹ trẻ để nắm bắt tình hình về hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng của họ và kết hợp tuyên truyền về giáo dục mầm non hiện nay, cùng với việc vận động trẻ đến trường.

2 .Tuyên truyền vận động cộng đồng đưa trẻ đến trường Mầm non thông qua các văn bản, thông qua hệ thống thông tin của xã, thông qua các đoàn thể xã hội, đến tận hộ gia đình để tuyên truyền, thông qua các buổi họp phụ huynh và thông qua dự giờ, thăm lớp của ban đại diện phụ huynh.

Trước khi bước vào đầu năm học khoảng 1-2 tuấn, giáo viên chủ nhiệm nhóm, lớp rà soát lại danh sách ở từng thôn, xóm , từng nhóm lớp, so với kế hoạch, chỉ tiêu đề ra trong năm học. Lập danh sách những cháu chưa đến trường và bố trí sắp xếp thời gian, đến tận các gia đình có con chưa đến trường, tìm hiểu lý do, nguyên nhân mà họ chưa đưa trẻ đến trường để động viên, phân tích, thuyết phục các gia đình đưa trẻ đến trường.

Mặt khác còn kết hợp tổ chức cho các bậc phụ huynh họp 2 lần trong 1 năm học, qua việc dự giờ, thăm lớp của ban đại diện phụ huynh ở các nhóm, lớp, các bậc phụ huynh trưởng trong lớp, nhóm đã chủ động tuyên truyền đến toàn thể phụ huynh còn lại trong các khối, lớp về những công việc làm của các cô giáo và các hoạt động của trẻ trong ngày, ai nấy đều yên tâm hơn, tiếng nói của ban đại diện phụ huynh sẽ góp phần thúc đẩy mọi người tin tưởng hơn, đặc biệt là các bậc phụ huynh ở khối nhà trẻ, khối mẫu giáo bé.

3. Giáo viên nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tại trường. Thường xuyên tổ chức tốt các ngày hội, ngày lễ, tăng cường tổ chức các hoạt động cho trẻ dược khám phá, trải nghiệm. 

Nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ. Trẻ đến trường được kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho toàn bộ trẻ định kỳ 2 lần /năm

Muốn làm tốt nhiệm vụ này yêu cầu mỗi cán bộ giáo viên cần nêu cao vai trò trách nhiệm của mình, phải nhiệt tình, chịu khó, năng động, sáng tạo, nắm bắt được các yêu cầu đổi mới của cấp học, luôn quan tâm đến trẻ, làm thế nào để khi trẻ đến trường luôn được cô yêu thương, giúp đỡ, chăm sóc về mọi mặt từ bữa ăn, giấc ngủ, từ việc đi vệ sinh cho đến việc học tập, vui chơi của trẻ.

Bài viết liên quan